Trị liệu bằng tế bào gốc: triển vọng và quan tâm
- Chi tiết
- Chuyên mục: Ứng dụng
- Được đăng ngày 10 Tháng mười 2012
- Viết bởi Super User
- Lượt xem: 4411
Trị liệu bằng tế bào gốc: triển vọng và quan tâm
Kể từ ngày nhậm chức, Tổng thống Barack Obama kí hàng loạt sắc lệnh và quyết định đảo ngược các chính sách trước đây của người tiền nhiệm. Giữ nguyên lời hứa lúc tranh cử, Tổng thống Obama phê chuẩn các nghị định về thay đổi khí hậu, giáo dục tính dục, ngừa thai, v.v… mà trước đây Tổng thống Bush không chấp nhận. Nhưng sắc lệnh mà Tổng thống phê chuẩn vào đầu tháng Ba có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến tương lai y học hiện đại.
Ngày ngày 9/3/2009, Tổng thống Barack Obama vừa kí sắc lệnh cho phép các nhà khoa học Mĩ được tiến hành nghiên cứu về tế bào gốc, kể cả nghiên cứu điều trị bằng tế bào gốc. Sắc lệnh này được ví von như là một sự cởi trói cho các nhà khoa học Mĩ vốn bị bó tay dưới thời Tổng thống George W. Bush. Trong thời chính phủ Bush, do áp lực của giới tôn giáo và quan điểm cá nhân, Tổng thống Bush kí sắc lệnh cấm một số nghiên cứu về tế bào gốc, và theo đó, các viện y tế chính phủ (NIH – National Institutes of Health) không được tài trợ cho các nghiên cứu về tế bào gốc.
Sắc lệnh của Tổng thống Obama được đánh giá là quyết định mang tính lịch sử và có ý nghĩa lớn đến nền y học hiện đại, vì nó đem lại một triển vọng cho việc ứng tế báo gốc trong việc điều trị các bệnh nan y. Cho đến hiện nay việc sử dụng tế bào mầm bội năng trong điều trị đã được nghiên cứu rộng rãi, có thể tóm gọn trong các lĩnh vực sau: điều trị các chứng ung thư như não, võng mạc mắt, buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư hệ tạo máu; các chứng bệnh tự miễn (autoimmume diseases) như đa xơ hoá, bệnh lupus ban đỏ, thấp khớp; bệnh thiếu hụt miễn dịch, các bệnh tổn thương tim, bệnh ống thận bẩm sinh (hội chứng Fanconi) v.v.. Nghiên cứu và ứng dụng tế bào mầm bội năng trong điều trị bệnh đã đem lại hiệu quả thực tế. Hiệu quả tích cực và hiển nhiên nhất là trong việc dùng tế bào mầm của người trưởng thành để ghép cơ quan mà cũng có thể tránh được hiện tượng loại thải ghép.
Ở nước ta, gần đây, một số thông tin trên báo chí cho biết các nhà khoa học Việt Nam đang có dự án tiến hành các thử nghiệm
Phần lớn những hi vọng chung quanh việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh (sẽ gọi tắt là “tế bào trị liệu”) dựa vào niềm tin cho rằng tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản trong phòng thí nghiệm có thể triển khai thành những liệu pháp trị liệu trong lâm sàng. Tuy nhiên, trước những áp lực chính trị và các nhóm bệnh nhân, một số triển vọng và hiệu quả về tế bào trị liệu có lẽ đã được chuyển tải đến công chúng một cách quá đáng, vượt qua khả năng thực mà khoa học hiện nay có thể cung ứng.
Còn nhớ vào thập niên 1980, với những thành công bước đầu trong việc tạo ra những “retrovirus” (những virus chứa RNA có thể chuyển các chất liệu di truyền thành DNA trong tế bào kí chủ), giới khoa học vội vã tiến đến thử nghiệm lâm sàng, và kết quả là những thất bại thê thảm, gây tác hại đến nhiều bệnh nhân. Ngay cả cho đến nay, sau hơn 30 năm nghiên cứu về gen, việc ứng gen vào trị liệu vẫn chưa thành công và còn rất nhiều trắc trở.
Thật ra, con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là một hành trình khoa học dài. Trong kĩ nghệ dược, tính trung bình, từ phát hiện phân tử (molecule), đến tìm hiểu chức năng và cơ chế, đến thử nghiệm trên chuột, đến thử nghiệm trên người giai đoạn tiền lâm sàng, giai đoạn I, II, III, v.v… tốn khoảng 20 năm. Thời gian gần đây, do cải tiến trong công nghệ sinh học, nên rút ngắn khoảng 10 năm. Nhưng tính trung bình, trong số 10 ngàn phân tử phát hiện, chỉ 1 phân tử là thành công đến giai đoạn nghiên cứu lâm sàng giai đoạn II. Nói như thế để thấy con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là con đường rất dài và chông gai.
Chúng ta có thể tiên đoán rằng con đường từ nghiên cứu tế bào gốc trong phòng thí nghiệm đến ứng dụng trị liệu trong lâm sàng cũng là một con đường dài. Nếu kinh nghiệm từ di truyền trong thập niên 1980s là một bài học, chúng ta có thể suy đoán rằng nghiên cứu tế bào gốc có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn là giải đáp một vấn đề lâm sàng. Thật vậy, sau hơn 20 năm tìm gen cho các bệnh phức tạp như ung thư, đái tháo đường, hen, tim mạch, loãng xương, v.v… cho đến nay giới y khoa vẫn chưa thể ứng dụng gen cho việc tiên lượng bệnh (chứ chưa nói đến việc điều trị bằng gen). Chúng tôi đã làm vài thử nghiệm thực tế và thấy rằng cho dù chúng ta biết được 100 gen, thì việc tiên lượng bệnh vẫn không tốt hơn các thông tin lâm sàng cơ bản!
Đối với tế bào gốc, trên thế giới đã có vài thành công tế bào trị liệu nhưng phần lớn là ở chuột, và rất khó nói các kết quả này có thể ứng dụng ở bệnh nhân. Ngay cả một vài ca có triển vọng ở bệnh nhân cũng chưa thể triển khai ở qui mô lớn hơn, vì nếu chưa qua nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên thì chưa thế ứng dụng gì trong lâm sàng. Thật vậy, cho đến nay, trên thế giới chưa có phác đồ nào về tế bào trị liệu.
Ở Việt Nam, rải rác đó đây chúng ta đọc hay nghe đến những “thành công bước đầu” trong việc ghép tế bào gốc vùng rìa giác mạc hoặc tế bào gốc cuống rốn cho bệnh nhân hỏng giác mạc. Tuy nhiên, rất khó mà đánh giá những thành công này như thế nào, vì không có chi tiết khoa học, và cũng chưa thấy kết quả nghiên cứu được công bố trên một tập san y khoa có uy tín trên thế giới. Vấn đề đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm theo dõi và quản lí lâm sàng những bệnh nhân đó. Đây là vấn đề y đức. Chúng ta vẫn chưa quên vào những năm trong thập niên 1980 đã có những “tai nạn” mà những bệnh nhân được ghép giác mạc mắt đầu tiên chịu hậu quả rất nặng nề nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm.
Mới đây, có thông tin cho biết các bác sĩ Việt Nam đã tiến hành ghép tế bào gốc trong máu cho bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một bài báo khoa học nào của Việt Nam được công bố trên một tập san y khoa nào. Cần nói thêm rằng cho đến nay vấn đề này vẫn còn trong vòng nghiên cứu, chưa ứng dụng vào lâm sàng. Ấy thế mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định đấu thầu đề tài nhà nước cho lĩnh vực này. Điều đáng quan tâm chính là ở chỗ trong nội dung đấu thầu yêu cầu thử nghiệm trên bệnh nhân, trên con người. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về an toàn cho bệnh nhân, nếu nghiên cứu không thành công hoặc để lại di chứng cho bệnh nhân?
Ứng dụng nghiên cứu cơ bản trong lâm sàng là một trong những định hướng nghiên cứu mà các nước tiên tiến đang theo đuổi. Nhưng hành trình từ khám phá cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là một hành trình rất dài và tốn kém. Ông bà ta có câu “dục tốc bất đạt”, và câu này rất phù hợp với hoạt động khoa học. Trong khoa học không có những con đường tắt, mà bất cứ vấn đề gì cũng phải tiến triển theo một qui trình chuẩn thường đòi hỏi một thời gian dài. Bỏ qua những qui trình chuẩn này có thể dẫn đến những tác hạu khó lường trước được cho bệnh nhân và tạo thêm tiền lệ không hay cho y học Việt Nam.