Khái niệm tế bào gốc
- Chi tiết
- Chuyên mục: Khái niệm công nghệ tế bào gốc
- Được đăng ngày 10 Tháng bẩy 2010
- Viết bởi Bác sĩ Huỳnh Văn Quang
- Lượt xem: 3764
Tế bào gốc là tế bào có khả năng biệt hoá thành nhiều loại tế bào khác để thay thế cho các tế bào bị mất đi do già và chết tự nhiên hay do chấn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong cơ thể các tế bào gốc được cất giữ tại các vị trí đặc biệt được gọi là “ổ” tế bào gốc (“stem cell niche”). Ổ tế bào gốc nằm rải rác ở khắp các mô và cơ quan trong cơ thể. Từ đây, các tế bào cứ đều đặn (hoặc tăng tốc độ khi có nhu cầu như sau nhiễm trùng hay chấn thương) tăng sinh và biệt hoá, cung cấp nguồn tế bào mới để tái tạo mô và giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng. Quá trình liền vết thương và phục hồi các thoái hoá/tổn thương của các mô, cơ quan trong cơ thể có nhiều cơ chế phức tạp nhưng kết quả cuối cùng là tái lập lại các mô đã bị thoái hoá/tổn thương. Chính các tế bào gốc là lực lượng dự trữ được huy động để tái tạo các tế bào bị tổn thương đó. Ở các cơ thể còn trẻ, khỏe thì lượng tế bào gốc còn phong phú nên khả năng liền vết thương mạnh. Với các cơ thể già và yếu thì lượng tế bào gốc cũng suy yếu nên không còn khả năng tự tái tạo dẫn đến các biểu hiện của tuổi già, suy các cơ quan hoặc không liền vết thương. Vì thế điều trị bằng tế bào gốc chính là để bổ sung nguồn tế bào non trẻ, có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới bổ sung hoặc thay thế cho các tế bào và mô cơ quan bị tổn thương hay mất chức năng.