Mô liên kết
- Chi tiết
- Chuyên mục: Ứng dụng
- Được đăng ngày 09 Tháng mười 2012
- Viết bởi Super User
- Lượt xem: 8579
Mô liên kết
Mô liên kết là tập hợp những tế bào có nguồn gốc trung bì, giữ chức năng bảo vệ, nâng đỡ làm sườn cấu tạo cho cơ thể và cơ quan.
Mô liên kết có nguồn gốc từ lá thai giữa, tức là từ trung mô
Mô liên kết là lọai mô phổ biến nhất trong các loại mô cơ bản. Mô liên kết hiện diện ở khắp các cơ quan, xen giữa các mô khác, giúp chúng gắn bó với nhau. Mỗi loại mô liên kết đều được tạo thành bởi:
- Thành phần gian bào gồm: phần lỏng gọi là dịch mô. Phần đặc hơn, có đặc tính của hệ keo gọi là chất căn bản.
- Các sợi liên kết vùi trong chất căn bản.
- Các tế bào liên kết nằm rải rác trong thành phần gian bào
Căn cứ vào tính chất của chất căn bản, người ta chia mô liên kết ra làm 3 loại:
- Mô liên kết chính thức, có độ mềm và có mặt ở mọi nơi trong cơ thể.
- Mô sụn, chất căn bản nhiễm cartilagein (chất sụn), có độ rắn vừa phải.
- Mô xương, chất căn bản nhiễm ossein và muối calci vì vậy có độ rắn lớn.
Mô liên kết chính thức gồm các loại tế bào liên kết và những sợi ngoài tế bào, vùi trong chất căn bản vô hình. Số lượng từng loại tế bào, từng loại sợi và chất căn bản liên kết thay đổi rất nhiều, tùy thuộc vào cấu trúc từng vùng.
Những tế bào của mô liên kết chính thức có thể xếp thành hai nhóm: nhóm tế bào cố định và nhóm tế bào di động. Các tế bào này nằm xa nhau, xen vào giữa chúng là khoảng gian bào rất rộng, trong chứa chất gian bào.
Mô liên kết chính thức có ba loại sợi: sợi collagen (sợi xơ, sợi tạo keo), sợi chun, sợi võng.
Mô liên kết chính thức đảm nhiệm chức năng chống đỡ cơ học cho mô khác; là trung gian trao đổi chất giữa máu và mô; tích lũy, dự trữ năng lượng; bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn; tham gia vào sự tái tạo mô sau tổn thương.
1. CHẤT CĂN BẢN LIÊN KẾT
Dưới kính hiển vi quang học, chất căn bản liên kết không có cấu trúc. Chất căn bản mô liên kết chính thức là một chất vô định hình, đồng nhất, trong suốt, làm nền cho tế bào với các phân tử sợi, có tính nhờn với hàm lượng nước và chất điện giải tương đương với máu.
Thành phần cấu tạo chủ yếu của chất căn bản liên kết là : (1) Những glycosaminoglycan; (2) Những glycoprotein cấu trúc; (3) Nước và những muối vô cơ tạo thành dịch mô.
Về mặt lý học, chất căn bản có tính chất của một hệ keo. Những phân tử glycosaminoglycan có khả năng tham gia vào việc làm chất căn bản chuyển từ trạng thái loãng (sol) thành trạng thái quánh đặc (gel) hoặc ngược lại tùy thuộc mức độ trùng hợp của chúng.
Chất căn bản liên kết là môi trường bên trong cơ thể, các tế bào liên kết trực tiếp trao đổi chất với nó. Chất căn bản liên kết có nguồn gốc từ tế bào và từ máu. Khi dịch mô trong chất căn bản có nhiều hơn mức bình thường, mô liên kết ở nơi ấy rơi vào tình trạng phù nề.
1.1. Glycosaminoglycans (GAG)
Là những chuỗi Polysaccharide được tạo với sự đa trùng hợp của những đơn vị disaccharide gắn với acid uronic và nhóm hexosamine, những nhóm đa đường này thường gắn với protein bởi những nối đồng hoá trị (covalent) để tạo những phân tử proteoglycan, các protein hoà tan này thường là dermatan sulfate, chondroitin sulfate, keratan sulfate, heparan sulfate.
- Dermatan sulfate phần lớn ở da, gân, dây chằng, sụn xơ, tất cả cấu trúc này chứa collagene type I.
- Chondroitin sulfate có nhiều ở sụn trong, sụn đàn hồi, xương, giác mạc, da, thành động mạch chủ.
- Heparan sulfate có khuynh hướng kết hợp với sợi võng và Collagene type III. Heparan sulfate có nhiều trong thành động mạch chủ, động mạch phổi, gan, lá đáy của màng đáy.
Những proteoglycan này làm cho chất căn bản ở trạng thái nửa sol nửa gel.
1.2. Glycoprotein cấu trúc
Đây là những hợp chất hình thành do sự gắn kết giữa protein với carbohydrat, trong đó tỷ lệ protein cao hơn carbohydrat.
Những glycoprotein có chức năng chính là thiết lập mối tương tác giữa các tế bào và các thành phần ngoại bào trong mô liên kết. Có những tế bào có thụ thể màng giúp chúng trực tiếp gắn với những sợi collagen ở gian bào. Có những tế bào cần những phần tử trung gian là những glycoprotein để gắn kết với collagen hoặc với glycosaminoglycan.
- Fibronectin: là 1 glycoprotein được tổng hợp từ nguyên bào sợi và tế bào biểu mô. Những phân tử protein này giúp cho sự liên kết giữa tế bào, sợi collagene và các nhóm glycosamine, sự liên kết này tác động đến tính liên kết của các tế bào và tính di chuyển của nó. Tế bào ung thư là những tế bào không tạo ra fibronectin phần nào giải thích tính xâm nhập và phá huỷ màng đáy của chúng.
- Laminin: là glycoprotein, 1 đại phân tử glycoprotein chứa ít nhất 1 chuỗi polypeptide, chúng được tìm thấy ở màng đáy giúp cho sự gắn kết của biểu mô với collagene type IV của màng đáy.
- Chondroitin có ở sụn giúp cho sự liên kết giữa tế bào sụn và collagene type II.
1.3. Dịch Mô
Trong mô liên kết chính thức chứa một lượng không nhiều dịch mô. Dịch mô chứa một lượng nhỏ huyết tương có trọng lượng phân tử thấp và các ion với nồng độ tương đương huyết tương, vì vậy sự trao đổi giữa những thành phần này và máu diễn ra nhanh chóng. Nồng độ protein trong dịch mô thấp là do tính thấm protein huyết tương của mao mạch thấp.
2-Sợi liên kết
Collagen
Elastin
Sợi võng
Là những sợi rất mảnh, với phương pháp nhuộm thông thường những sợi này không bắt màu, với phương pháp nhuộm ngấm bạc sợi có màu nâu hoặc đen, sợi cho phản ứng PAS dương tính, sở dĩ sợi có phản ứng với 2 loại thuốc nhuộm trên là do thành phần glycoprotein của nó. Sợi được tạo thành bởi các procollagene type III. Sợi thường ở dạng lưới làm thành khoang cho các cơ quan (lách, hạch, mô thần kinh).
3. NHỮNG TẾ BÀO LIÊN KẾT
Những tế bào liên kết có thể cố định hoặc di động tạo thành một hệ thống trong biểu mô, giữ nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, kiểm tra tế bào lạ (tế bào ung thư, vi khuẩn, virus), cung cấp năng lượng dự trữ, có thể cho đây là một hệ thống vừa chiến đấu vừa hậu thuẫn cho cơ thể.
3.1. Nguyên bào sợi
Nguyên bào sợi là tế bào phổ biến của mô liên kết, gồm 2 loại có hình thái khác nhau:
- Tế bào sợi non: tế bào thường biến dạng với nhiều nhánh bào tương, nhân lớn, hình trứng, ít bắt màu thuốc nhuộm, sợi nhiễm sắc mảnh, hạt nhân lớn. Bào tương chứa lưới nội bào có hạt và bộ Golgi phát triển.
- Tế bào sợi: là những tế bào nhỏ hình thoi, nhân hình gậy, sẫm màu, lưới nội bào, bộ Golgi ít phát triển.
Tế bào sợi có nhiệm vụ tổng hợp collagene và các glycosaminoglycan, chất căn bản. Ở người lớn, tế bào sợi ít phân chia, hình ảnh gián phân thường được quan sát ở mô liên kết bị tổn thương.
3.2. Ðại thực bào
Đại thực bào được khám phá đầu tiên bởi tính thực bào của chúng, khi những thuốc nhuộm sống được đưa vào cơ thể, những tế bào này thực bào và tích luỹ những sản phẩm này trong các túi có thể quan sát được bằng hiển vi quang học. Ðại thực bào có nguồn gốc từ tế bào gốc ở tuỷ xương (monocyte) nhưng monocyte này di cư vào mô liên kết , ở đây chúng biệt hoá trưởng thành và được gọi là đại thực bào. Hình dạng của đại thực bào rất biến thiên, thường chúng có những nhánh bào tương trải rộng, bào tương chứa nhiều tiêu thể, bộ Golgi phát triển. Ðại thực bào có đời sống khá lâu, có thể tồn tại nhiều tháng trong mô liên kết, khi bị kích thích hình dạng thường thay đổi, chúng có thể biến thành tế bào bán liên, tế bào khổng lồ đa nhân.
3.3. Dưỡng bào (mast cell)
Dưỡng bào (tế bào bón) thường có hình trứng hay hình cầu, đường kính từ 20-30(m, nhân nhỏ hình cầu, thường được che mờ bởi các hạt bào tương.Danh từ mast do Erhlich đề xuất là một sai lầm, Erhlich cho rằng những hạt tế bào bón là do tế bào lấy từ gian bào. Dưới kính hiển vi điện tử cho thấy tế bào bón có ít ty thể hình cầu. Hệ thống lưới nội bào có hạt ít phát triển, nhưng bộ Golgi rất phát triển. Những hạt dị sắc có đường kính từ 0,3-0,5 (m, dưới kính hiển vi điện tử những hạt này có dạng đồng nhất ở chuột, ở người mang những vòng đồng tâm.
Thành phần chứa trong những hạt này là Histamine, Proteases trung tính, yếu tố hoá hướng bạch cầu của acide(ECFA). Ngoài ra dưỡng bào còn tạo ra leucotrienes khi màng tế bào bị huỷ (SRS.A), ít nhất có 2 loại dưỡng bào:
- Nhóm được gọi là dưỡng bào ở mô liên kết: ở những tế bào này những hạt dị sắc có proteoglycan là heparin.
- Nhóm được gọi là dưỡng bào niêm mạc: hạt dị sắc chứa chondroitin sulfate, dưỡng bào phân bố rộng rãi khắp cơ thể nhưng nhiều nhất ở da, ống tiêu hoá, đường hô hấp.
Vai trò của dưỡng bào được xem như là 1 tế bào bán nội tiết, có nhiệm vụ điều hoà, biến dưỡng mô, huyết lưu ở mao mạch và chịu trách nhiệm trong các shock phản vệ.
3.4. Tương bào (plasma cell)
Tương bào ít hiện diện trong mô liên kết, có nhiều ở nơi xâm nhập của vi trùng và protein lạ (niêm mạc ruột) hoặc thương tổn viêm mãn tính.
Là những tế bào hình trứng, bào tương ưa base. Hệ thống lưới nội bào có hạt rất phát triển. Bộ máy Golgi và trung thể chiếm 1 vùng khá lớn tạo thành 1 hình ảnh nhạt trong bào tương. Nhân hình cầu với các hạt nhiễm sắc phân phối đều cho hình ảnh "mặt đồng hồ". Tương bào có nhiệm vụ tạo ra kháng thể thể dịch cho cơ thể.
3.5. Bạch cầu
Bạch cầu là những tế bào có nguồn gốc từ tuỷ xương. Chúng thường ở trong hệ tuần hoàn, nhưng thường xuyên xuyên mạch để vào mô liên kết, nhất là trong những trường hợp viêm nhiễm. Dựa vào các hạt trong bào tương, người ta thường chia bạch cầu ra làm: bạch cầu hạt và bạch cầu không hạt.
- Bạch cầu hạt:
+ Bạch cầu ưa acide: chứa những hạt ưa acide trong bào tương. Kính hiển vi điện tử cho thấy hạt có màng sinh học cơ bản bao bọc. Những hạt này chứa nhiều Aryl sulfatase, histamine. Bạch cầu ưa acide giữ nhiệm vụ thực bào phức hợp kháng nguyên kháng thể và đóng vai trò hồi dưỡng âm trong phản ứng dị ứng.
+ Bạch cầu ưa base: bạch cầu này chứa nhũng hạt có thành phần giống những hạt trong bào tương, dưỡng bào. Nó là nguồn cung cấp Histamine chính cho máu. Những tế bào này chịu phần nào trách nhiệm phản ứng dị ứng.
- Bạch cầu không hạt(xem chương tạo huyết)
3.6. Tế bào mỡ
Tế bào mỡ thường có hình cầu, các tế bào hợp nhau thành từng đám tạo nên tiểu thuỳ mỡ. Người ta thường phân biệt tế bào mỡ vàng (một không bào) và nâu (nhiều không bào):
- Ở tế bào mỡ vàng: các hạt lipid sau khi được tổng hợp được tích luỹ trong các hạt mỡ, càng ngày các hạt này càng lớn và có khuynh hướng sáp nhập lại thành 1 khối lớn đẩy nhân nằm sát bào tương.
- Ở các tế bào mỡ nâu: các hạt mỡ nằm riêng rẽ ở giữa 1 hệ thống ty thể rất phát triển. Nhân nằm ở giữa, tế bào mỡ nâu có nhiều ở trẻ sơ sinh, phân bố ở một số vùng nhất định ở cơ thể trưởng thành.
Tế bào mỡ là nguồn dự trữ năng lượng lớn nhất của cơ thể, tế bào mỡ thường là những tế bào rất hoạt động. Lượng mỡ trong tế bào luôn luôn được đổi mới. Quá trình biến dưỡng mỡ chịu sự chi phối của nhiều kích thích tố: growth hormone, glucose corticoides, prostaglandin, corticotropin, insulin, thyoroxin, cũng như thần kinh qua trung gian Epinephine.