Dây rốn và tế bào gốc dây rốn

Dây rốn và tế bào gốc dây rốn

Dây rốn:
Dây rốn là đoạn kết nối giữa rốn của thai nhi và nhau thai bám ở thành tử cung của người mẹ, có vai trò là cầu nối giữa người mẹ và em bé để vận chuyển ô-xy và các chất dinh dưỡng từ người mẹ chuyển qua em bé. Máu của em bé được chuyển qua dây rốn sang nhau thai để tiếp xúc với máu mẹ qua màng nhau thai để lấy ô-xy và chất dinh dưỡng rồi sau đó qua dây rốn quay trở lại với em bé.


Tế bào gốc dây rốn:
Trong dây rốn và bánh nhau có chứa máu của em bé được gọi là máu dây rốn. Thành phần của máu dây rốn bao gồm tất cả các thành phần của máu như các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Ngoài ra trong máu dây rốn còn có các tế bào gốc, chủ yếu là các tế bào gốc tạo máu - là các tế bào sẽ sinh ra tất cả các loại tế bào máu tương tự như các tế bào gốc tạo máu có ở tủy xương. Đây là lý do tại sao có thể dùng tế bào gốc tạo máu trong máu dây rốn để truyền thay cho tế bào gốc tủy xương. Dây rốn được bao bọc bên ngoài là một lớp màng quấn quanh tổ chức của dây rốn. Lớp màng bao dây rốn này cũng có các tế bào gốc được gọi là tế bào gốc màng dây rốn. Từ đây người có thể tách được hai loại tế bào gốc là tế bào gốc biểu mô và tế bào gốc trung mô. Tế bào gốc biểu mô là những tế bào làm nhiệm vụ che phủ, bao quanh cơ thể như da hoặc là các tế bào che phủ tạo nên lớp che đậy mặt trong của các cấu trúc rỗng như ruột, đường hô hấp. Tế bào gốc trung mô cấu tạo nên phần chính trong cấu trúc nền của các mô, cơ quan của cơ thể. Các nghiên cứu đã cho thấy chúng có nguồn gốc từ thai nhi chứ không phải từ người mẹ.
Khả năng chữa bệnh bằng tế bào gốc dây rốn
Có thể nói dây rốn có đủ loại tế bào gốc cần thiết để điều trị bao gồm các tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc biểu mô, tế bào gốc trung mô. Ứng dụng điều trị của các tế bào gốc dây rốn được tiến hành ngay từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, và cho tới nay cũng chủ yếu là ứng dụng của các tế bào gốc tạo máu phân lập từ máu dây rốn để điều trị hàng loạt bệnh lý thiếu máu và bệnh lý ác tính cơ quan tạo máu như điều trị bệnh lơ-xê-mi và u lympho; điều trị các rối loạn máu bẩm sinh bao gồm thiếu máu bất sản, beta-thalassemia, hội chứng Blackfan-Diamon, thiếu máu hồng cầu liềm… Tế bào gốc máu dây rốn là một nguồn lý tưởng thay thế cho tế bào gốc tuỷ xương và do vậy xu hướng sử dụng ghép tế bào gốc máu dây rốn thay cho ghép tế bào gốc tuỷ xương hoặc tế bào gốc máu ngoại vi đang được áp dụng ngày càng nhiều. Ngoài ra tế bào gốc máu dây rốn còn được nghiên cứu ứng dụng trong điều trị các bệnh lý ở cơ quan khác (nhồi máu cơ tim, Parkinson…). Các nghiên cứu mới đây trên mô hình động vật và một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy có thể dùng tế bào gốc tạo máu tiêm trực tiếp vào vùng tổn thương tim để tái tạo lại mô cơ tim và mạch máu tổn thương trong nhồi máu cơ tim cũng như có thể tiêm tế bào gốc tạo máu để điều trị bệnh Parkinson.
Phân bố các loại tế bào gốc tạo máu được sử dụng trong cấy ghép từ năm 1988 đến năm 2008. (Nguồn NMDP, Hoa Kỳ)
Nhờ phát hiện những ưu điểm trên, hàng loạt quốc gia đã tiến hành xây dựng các ngân hàng máu dây rốn với mục đích lưu trữ các TBG tạo máu. Hàng trăm ngân hàng đã được xây dựng trên khắp thế giới và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thailand, Malaysia… để lưu giữ và bảo quản máu dây rốn dùng cho mục đích điều trị chính những người được lưu giữ máu dây rốn và thân nhân của họ. Bên cạnh đó các ngân hàng máu dây rốn này còn hợp tác trao đổi thông tin để có thể giúp tìm được các mẫu máu dây rốn thích hợp điều trị cho bệnh nhân xuyên quốc gia. Cho đến nay trên thế giới đã có hàng ngàn người được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc máu dây rốn.
Dây rốn nguồn cung cấp tế bào gốc lý tưởng:
Có thể nói dây rốn là một nguồn cung cấp tế bào gốc lý tưởng vì:

  • Dễ thu hoạch, xử lý tế bào gốc.
  • Thu hoạch dây rốn không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của cả mẹ và con.
  • Thu hoạch và cất giữ tế bào gốc dây rốn không vi phạm đạo đức như tế bào gốc phôi.
  • Có thể chủ động kiểm soát tình trạng các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, viêm gan C… đối với các mẫu tế bào gốc bằng các xét nghiệm trước sinh đối với sản phụ.
  • Về phương diện tuổi phát triển, tế bào gốc dây rốn là tế bào gốc nhũ nhi, còn rất trẻ nên khả năng phân chia tốt và số lượng tế bào thu được trực tiếp hoặc sau tăng sinh in vitro là rất lớn.
  • Các tế bào gốc dây rốn không còn là các tế bào gốc phôi do vậy không còn khả năng tạo ra u quái như tế bào gốc phôi.
  • Có thể thu được nhiều loại tế bào gốc bao gồm các tế bào gốc trong máu dây rốn (chứa nhiều tế bào gốc tạo máu) và các tế bào gốc trung mô và tế bào gốc biểu mô từ màng dây rốn.
  • Có thể lưu trữ lâu dài để sử dụng điều trị cho chính người có dây rốn ấy hoặc người thân trong gia đình họ hoặc cho người khác.
  • Xác định trước được HLA và các đặc điểm khác của mẫu tế bào gốc từ trước để đọ xem có phù hợp với người bệnh cần điều trị bằng tế bào gốc hay không, từ đó có thể lấy ngay ra để sử dụng cho điều trị mà không mất thời gian tìm kiếm và xét nghiệm người cho tế bào.
  • Tế bào gốc dây rốn có tính sinh miễn dịch thấp nên dễ được cơ thể khác gen chấp nhận khi ghép tế bào dây rốn của người này sang người khác.
  • Tế bào gốc máu dây rốn “hiền” hơn tế bào gốc tuỷ xương hoặc máu ngoại vi, khi dùng điều trị ít gây ra phản ứng phụ hơn tế bào gốc tuỷ xương hoặc máu ngoại vi, hoặc nếu có thì mức độ phản ứng nhẹ hơn.

Ngân hàng tế bào gốc

 

Trực tuyến

Đang có 678 khách và không thành viên đang online