U Sợi Thần kinh – Neurofibromatosis
- Chi tiết
- Chuyên mục: Bệnh do rối loạn tổ chức da
- Được đăng ngày 09 Tháng mười 2012
- Viết bởi Super User
- Lượt xem: 8452
U Sợi Thần kinh – Neurofibromatosis (Von Recklinghausen's Disease) |
28/04/2009 |
Trên trang Điện tử Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng ngày 15/4/2009, tác giả Trung Hiếu có bài viết về “Một người mắc chừng bệnh lạ”. Đó là ông Trương Văn Bảy, sinh năm 1946, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Trị, Gò Công Tây (Tiền Giang) đang mang trong người một chứng bệnh “lạ”. Hơn 30 năm nay ông đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không thuyên giảm mà những khối u khắp cả thân thể ngày càng lan rộng.
Bệnh của ông Trương Văn Bảy có tên gọi là U sợi thần kinh – (Neurofibromatosis - NF), là một bệnh di truyền theo nhiễm sắc thể thường (chromosomes), tính trội. Mã số chẩn đoán ICD 10: Q 85.0 NF là bệnh "u lành thần kinh", không phải ung thư cũng không phải là bệnh truyền nhiễm. Bệnh gây mất thẩm mỹ và có khả năng gây mất nhiều chức năng cho cơ thể khi các khối u thần kinh này nằm ở những vị trí quan trọng hoặc vì những nguyên nhân chưa được biết. Ví dụ loại NF1 có thể gây rối loạn thị giác, vẹo cột sống, mất khả năng học hành, động kinh co giật, cao huyết áp...; loại NF2 có thể gây điếc và rối loạn việc giữ thăng bằng cho cơ thể. U sợi thần kinh – NF- do sự rối loạn nhiễm sắc thể của hệ thống thần kinh, di truyền theo nhiễm sắc thể tính trội, tạo ra u trên các sợi thần kinh ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể: xương, mô mềm, da và hệ thần kinh. 50% số bệnh nhân u sợi thần kinh có tiền sử gia đình từ bố hoặc mẹ, số còn lại là do đột biến các nhiễm sắc thể, mới xuất hiện và vẫn có thể di truyền tiếp cho thế hệ sau. Triệu chứng lâm sàng cũng như ảnh hưởng của u sợi thần kinh rất khó dự đoán. Bệnh thay đổi tuỳ theo từng bệnh nhân, ngay cả đối với những người trong cùng gia đình, có biểu hiện đa dạng và ở nhiều mức độ trầm trọng khác nhau: từ nhẹ đến nặng, từ không thể phát hiện được đến gây biến dạng nhẹ hoặc gây tàn phế nặng.
U sợi thần kinh có hai dạng chính là Neurofibromatosis type I và Neurofibromatosis type II. I. LÂM SÀNG A. U sợi thần kinh type 1 (NF 1) : Còn gọi là U sợi thần kinh ngoại biên - bệnh Von Recklinghausen - luôn luôn xuất hiện vào thời kỳ niên thiếu, tỉ lệ khoảng 1/3.000 trẻ. Trên 50% số trẻ bị bệnh có biểu hiện triệu chứng từ lúc 2 tuổi hay trước 5 tuổi. NF1 là rối loạn di truyền tính trội ở nhiễm sắc thể 17, tạo ra các u phát triển ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể vào bất kỳ lúc nào. Đây là rối loạn di truyền phổ biến nhất trong các loại NF. Phần lớn các trường hợp này là nhẹ và người bệnh có một cuộc sống bình thường. Triệu chứng lâm sàng thường gặp của u sợi thần kinh type 1 (NF1) là: · Có ≥6 đốm nâu trên da, d ≥ 0,5cm, màu cà phê sữa (café-au-lait spots), các đốm này có thể thấy ngay sau khi sinh, tăng số lượng và kích thước theo tuổi. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở 1,8% trẻ sơ sinh, 25%-40% trẻ em và 14% người lớn bị NF1. Các đốm da màu cà phê sữa cũng có thể xuất hiện ở những người không bị NF1 nhưng, đối với những người có ≥5 đốm ngoài da dạng này, đặc biệt xuất hiện trong những năm đầu đời trước 5 tuổi, cần được các Bác sĩ xem xét về nguy cơ có thể bị NF1. · Tàn nhang ở những chỗ nếp gấp của da như nách, háng, dưới vú. Đây là những triệu chứng rõ ràng của NF1. · Các khối u lành tính ở dưới da hoặc sâu hơn, phát triển dần khi trẻ lớn lên. Đây là các khối u sợi thần kinh, người bệnh có thể không mang một khối u nào hoặc có đến vài trăm khối u trên cơ thể. Các khối u này có kích thước đa dạng, cứng hoặc mềm, có thể đau hoặc không đau. Chúng có thể gia tăng kích thước cũng như số lượng ở tuổi dậy thì hoặc trong thời gian thai nghén, gây mất thẩm mỹ hoặc trở ngại nhiều cho sinh hoạt của người bệnh, đôi khi phải cần đến phẫu thuật can thiệp. NF1 có thể gây ra những tổn thương đa dạng: - Mắt: làm lồi mắt, giảm thị lực, mù do các khối u phát triển trên dây thần kinh thị giác. Nốt Lisch (khối u nhỏ) màu vàng, nâu thường xuất hiện trên mống mắt nhưng không gây rối loạn thị giác. Chúng thường được phát hiện ở tuổi 6-10 với tỉ lệ 97-100% bệnh nhân bị NF1 và là triệu chứng giúp thầy thuốc chẩn đoán xác định bệnh.
Lisch nodules -Đầu: động kinh, nhức đầu, u não, thiểu năng tuần hoàn não, mất khả năng học tập (25%-40%), chậm phát triển tâm thần (5%-10%), đầu chi to quá khổ. -Tim mạch: có biểu hiện cao huyết áp. -Tiêu hóa: thường đau bụng, nôn mửa, táo bón mạn tính hoặc tiêu chảy. -Sinh dục: dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn. -Cơ xương khớp: Vẹo cột sống (scoliosis) thường xuất hiện sớm. Bệnh có thể gây khớp giả, biến dạng đầu chi, biến dạng các xương dài (chân vòng kiềng). -Các biến chứng khác : chậm biết đi, chậm biết nói, tầm vóc lùn, chậm phát triển trí tuệ (IQ thấp hơn trung bình), học kém, khối lượng và kích thước các khối u tăng trong thai kỳ, ngứa dữ dội, trì trệ tâm sinh lý. Nguy cơ thoái triển thành ung thư có tỉ lệ thấp (3%-12%). Các biểu hiện ở nội tạng thể hiện mức độ trầm trọng của bệnh NF1 chứ không phải là các triệu chứng rầm rộ ngoài da. B. U sợi thần kinh type 2 (NF 2) Còn gọi là U sợi thần kinh song phương (NF bilateral). Bệnh xuất hiện do rối loạn di truyền trội ở nhiễm sắc thể 22, có những khối u thần kinh trung ương như u thị giác, u tiền đình. Bệnh thường không xuất hiện trước tuổi dậy thì, tỉ lệ hiếm hơn NF1, khoảng 1/50.000 nhưng là dạng bệnh NF nặng hơn. NF2 phát triển trên cả hai sợi thần kinh ở tai dẫn tới nghe kém và thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Các triệu chứng lâm sàng khác gồm: · Các đốm nâu cà phê sữa ở da, có ít và xuất hiện muộn hơn trong NF1; · Các khối u sợi thần kinh lành tính dạng nốt dưới da; · Triệu chứng tiền đình như ù tai, nghe kém, chóng mặt, rối loạn thăng bằng do các khối u chèn ép dây thần kinh tiền đình. Phẫu thuật sớm lấy bỏ khối u giúp bệnh nhân bảo tồn được sức nghe. · Khối u thần kinh trong sọ như u thần kinh đệm, u màng não, u tủy sống, · Đục thủy tinh thể sớm. II. CẬN LÂM SÀNG Chẩn đoán xác định NF chủ yếu dựa vào lâm sàng. Xét nghiệm về DNA có thể giúp chẩn đoán sớm các trường hợp trẻ em mắc bệnh NF2 trước khi có biểu hiện lâm sàng. CT hay MRI có thể dùng để xác định các khối u nằm trong não bộ hoặc thần kinh trung ương. III. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT A/- NF1:
B/- NF2: cần chẩn đoán phân biệt với các khối u, bướu dạng khác ở não bộ và thần kinh trung ương. IV. ĐIỀU TRỊ - Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân NF1 có thể sống và làm việc bình thường. - Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh U sợi thần kinh ; vấn đề điều trị hiện nay chỉ giới hạn ở việc theo dõi mức độ phát triển của bệnh và can thiệp khi có triệu chứng. Ví dụ: phẫu thuật được áp dụng khi kích thước các khối u thần kinh lớn nhanh và gây triệu chứng; phối hợp với chỉnh hình (orthopedics) khi có biến chứng ở xương như vẹo cột sống hay chân vòng kiềng (bowing of the tibia) hoặc phẫu thuật thẩm mỹ nếu cần cho những bất thường trên da. - Thuốc có tác dụng ức chế men tyrosine kinase thuộc nhóm IMATINIB (Glivec, Gleevec) bước đầu cho thấy có khả năng điều trị các khối u thần kinh trong NF1. - Trẻ em bị NF1 cần được khám bệnh và theo dõi định kỳ 6-12 tháng ở các Bác sĩ Nhi khoa. - Vấn đề giáo dục sức khoẻ và tư vấn về NF rất quan trọng, đặc biệt với những người có gia đình. Các đôi vợ chồng cần được tư vấn kỹ trước khi quyết định có con nếu họ hay người thân trực hệ của họ mang bệnh NF. - Việc điều trị tối ưu cho NF trong tương lai phụ thuộc vào ngành nghiên cứu phân tử genes (molecular genes) để có thể trị bệnh từ gốc và tránh phẫu thuật . Hiện nay, người ta đã phân lập được gen NF1 trên nhiễm sắc thể số 17 và gen NF2 trên nhiễm sắc thể số 22. Đây là những genes tổng hợp ra các proteins ức chế sự phát triển của các tế bào u bướu (tumor supressing genes). Do vậy, một khi các genes này bị thay đổi do bị đột biến (mutation), chúng sẽ tạo ra các khối u như trong trường hợp của NF. Tóm lại, U sợi thần kinh – NF- là một bệnh do di truyền, không phải là bệnh ác tính hay bệnh truyền nhiễm. Vấn đề chính là bệnh gây nên tình trạng cơ thể bị dị dạng, mất thẩm mỹ nghiêm trọng, làm bệnh nhân và gia đình xấu hổ, mang nhiều mặc cảm. Cần quan tâm đến vấn đề giáo dục sức khỏe, tư vấn cho những người bị bệnh này trước khi họ quyết định có con. Ngoài ra, cộng đồng cần có những quan niệm đúng đắn và có biện pháp giúp đỡ thiết thực đối với những người không may bị chứng bệnh di truyền này để bệnh nhân không bị cô lập và có thể hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày.
BS. LÊ ĐỨC THỌ Trưởng Khoa Da Liễu – BV Hoàn Mỹ Sài Gòn |