Bớt sắc tố

 

 

BỚT SẮC TỐ

 

 

 

I- Đại cương:

 

Bớt sắc tố thuộc vào nhóm bệnh tăng sắc tố ở da. Nhóm tổn thương này thường được chia làm 3 loại. Tổn thương ở thượng bì gồm: nốt ruồi, dát cà phê sữa, tàn nhang, nám má thể thượng bì, hạt cơm da dầu, dày sừng do ánh nắng... Tổn thương ở trung bì gồm bớt xanh, bớt ota, bớt ito, xăm mình... Tổn thương tăng sắc tố hỗn hợp có cả ở trung bì và thượng bì như bớt becker, tăng sắc tố sau viêm, nám má thể trung bì.

 

 

Căn nguyên gây bớt sắc tố hiện vẫn chưa rõ ràng. Bệnh chủ yếu gặp ở người da vàng châu Á, tỷ lệ nữ là 80-85%. Bệnh thường xuất hiện từ lúc lọt lòng và lớn dần theo năm tháng. Bớt có thể tăng kích thước nhưng rất chậm, tới mức nào đó sau tuổi dậy thì sẽ dừng lại và cố định lâu dài. Kích thước bớt có thể lớn bằng bàn tay hoặc các đám nhỏ bằng đầu đinh ghim, hạt ngô. Vị trí thường ở một bên mặt, quanh mắt, đôi khi cả hai bên mặt hoặc ở các vị trí khác của cơ thể như vai, ngực, cổ, lưng. Hình ảnh của bệnh là các dát phẳng hoặc gờ cao trên mặt da, màu đen, xanh hoặc tối màu. Màu sắc thường cố định. Trên một số bớt có thể có lông mọc. Triệu chứng cơ năng thường không có gì, tuy nhiên đôi khi bệnh nhân có cảm giác ngứa, khó chịu.

 

Bớt sắc tố bẩm sinh là những biến đổi, rối loạn tại chỗ của tế bào sắc tố da, sự tăng sinh quá mức của tế bào sắc tố, xâm lấn sâu xuống trung bì. Bệnh không ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên cũng đã có trường hợp ung thư hắc tố xuất phát trên nền tổn thương của bớt sắc tố bẩm sinh. Điều ảnh hưởng nặng nề nhất là mặt thẩm mỹ, làm cho bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý cũng như công việc và các hoạt động xã hội.

 

Với bớt sắc tố có kích thước nhỏ và ở vùng da kín, ít bị kích thích chấn thương thì có thể không cần can thiệp. Đối với các bớt có kích thước lớn ở vùng da hở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì cần được thăm khám và xử lý. Biện pháp điều trị tổn thương tăng sắc tố ở thượng bì và trung bì gồm: sử dụng tuyết carbon, lột da bằng acid trichloraxetic, ghép da, đốt bằng laser CO2, vá da sau phẫu thuật cắt bỏ.

 

Đối với các tổn thương có kích thước lớn và ở các vị trí khó phẫu thuật như vùng mắt, mũi thì phương pháp phẫu thuật khó thực hiện. Phương pháp vá da thường có màu sắc không giống với vùng da xung quanh nên cũng không đem lại kết quả như mong đợi.

 

10 năm trở lại đây, chuyên ngành da liễu và thẩm mỹ trên thế giới đã sử dụng công nghệ điều trị bớt sắc tố bằng laser Q-Switched ND YAG. Phương pháp này cũng đã được ứng dụng điều trị ở Việt Nam. Bác sĩ dùng các chùm laser có bước sóng 1.064 nm (nanômet) và 532 nm trong thời gian 6-8 phần tỷ giây với năng lượng rất cao. Ở hai bước sóng này, các hạt sắc tố melanin, mực xăm có trong tế bào sắc tố bị phá vỡ ra hàng nghìn mảnh nhỏ. Các đại thực bào sẽ đến dọn sạch các mảnh này vào máu và thải ra ngoài theo cơ chế lọc tự nhiên. Ngoài khả năng điều trị khỏi dứt điểm bớt sắc tố bẩm sinh, phương pháp này còn có ưu điểm là không để lại sẹo.

 

II- MỘT SỐ BỚT SẮC TỐ HAY GẶP

 

 

 

BỚT MÔNG CỔ

 

(Mongolian Spot)

 

 

 

Bớt Mông Cổ là dát màu xanh xám vùng cùng cụt ở trẻ em khoẻ mạnh. Thường biểu hiện lúc sinh hoặc trong những tuần đầu tiên của cuộc đời và thường tự thoái lui trong vòng 4 năm đầu tiên nhưng cũng có thể tồn tại suốt đời.
Dịch tễ học

Tần số: tuỳ theo chủng tộc. Bệnh thường nhất gặp ở người Châu Á; ngoài ra còn gặp ở 80% trẻ em Đông Phi, 46% trẻ em Tây Ban Nha, 1-9% trẻ em da trắng.
Chủng tộc: gặp ở hơn 90% trẻ em người Châu Á.
Giới: không có sự khác nhau về giới.
Tuổi: thường xuất hiện lúc sinh, nhưng có trường hợp xuất hiện trong những tuần đầu tiên của cuộc đời.
Lâm sàng
Dát màu xanh xám, kích thước khoảng vài centimet, có khi to hơn, 1 hoặc nhiều tổn thương.
Vị trí thường gặp nhất là vùng thắt lưng xương cùng; khi tổn thương lan rộng có thể gặp ở mông, sườn, vai; đã gặp những trường hợp tổn thương toàn bộ vùng trước và sau thân người.
Không có triệu chứng cơ năng.
Tổn thương thường mờ dần trong năm đầu tiên của cuộc đời, đôi khi tồn tại lâu dài.

 




Điều trị: trang điểm làm mờ tổn thương.

 

 

 

BỚT BECKER
(Becker nevus)

 

Năm 1948, S. William Becker mô tả hai nam thiếu niên bị tăng sắc tố mắc phải và rậm lông khu trú ở một bên cơ thể; từ đó bệnh này mang tên bớt Becker.
Sinh bệnh học
Sinh bệnh học của bớt Becker còn chưa rõ; nhưng người ta thấy Androgen có vai trò quan trọng vì bệnh thường phát triển quanh thời kỳ dạy thì, ưu thế hơn ở nam, rậm lông, thường có nhiều tổn thương trứng cá, tăng số lượng receptor androgen tại tổn thương.
Dịch tễ học
Tần số: một nghiên cứu 19.302 nam tuổi từ 17-26 thấy tỷ lệ bị bệnh là 0,52%.
Giới: nam bị nhiều hơn nữ.
Tuổi: thường xuất hiện quanh thời kỳ dạy thì, nhưng một số ca bẩm sinh và có tính chất gia đình đã được ghi nhận.
Lâm sàng
Vị trí: thường gặp ở vai, trên ngực và lưng.
Tổn thương ban đầu là dát màu nâu, không có triệu chứng cơ năng, thường khó phát hiện. Trong vài năm đầu, có thể dát phát triển ở vùng ngoại vi, có dát mới, liên kết với nhau thành tổn thương lớn hơn. Sau đó, tổn thương tăng sắc tố, mọc lông màu nâu tới màu đen ở trên dát và xung quanh dát, mật độ tóc thường thay đổi; không có hiện tượng tăng tiết mồ hôi. Vùng trung tâm của dát có thể dày và có tổn thương trứng cá.
Cận lâm sàng
Chẩn đoán bệnh thường dựa vào lâm sàng, khi tổn thương không điển hình thì có thể sinh thiết làm mô bệnh học.
Điều trị
Điều trị khi tổn thương ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân.
Laser ruby chuyển mạch Q (694nm).

 

 

 

 

 

 

BỚT OTA VÀ BỚT ITO

 

(Nevus of Ota, Nevus of Ito)

 

 

 

Bớt Ota lần đầu tiên được mô tả bởi Ota và Tanino vào năm 1939, là u mô thừa (hamartoma) của tế bào hắc tố ở hạ bì. Biểu hiện là mảng màu xanh hoặc màu xám ở mặt (ở vùng da chi phối của nhánh mắt và nhánh hàm trên của dây thần kinh số V), một bên hoặc hai bên cơ thể, bẩm sinh hoặc mắc phải. Ngoài biểu hiện ở da, bệnh còn có thể biểu hiện ở mắt và niêm mạc miệng.
Bớt Ito lần đầu tiên được mô tả bởi Minor Ito năm 1954, là tình trạng tăng sắc tố hạ bì ở vùng vai.

Dịch tễ học
Chủng tộc: Bớt Ota và Ito thường gặp nhất ở người Châu Á; ước khoảng 0,2-0,6% người Nhật có bớt Ota. Bớt Ito ít gặp hơn, mặc dù tỷ lệ chính xác chưa biết rõ. Những chủng tộc khác có tỷ lệ mắc bệnh cao là người Phi, người Anh-Điêng. Bớt Ota và Ito ít gặp ở người da trắng.
Giới: Bớt Ota tỷ lệ nam:nữ là 1:4,8. Bớt Ito tỷ lệ không rõ.
Tuổi: Bớt Ota có hai đỉnh: đỉnh thứ nhất là thời kỳ nhũ nhi với khoảng 50% biểu hiện lúc sinh; đỉnh thứ hai là thời kỳ dạy thì. Có một vài ca biểu hiện chậm: xuất hiện đầu tiên ở người lớn thậm chí người cao tuổi. Bớt Ito khởi phát lúc sinh hoặc ngay sau đó.
Nguyên nhân: chưa rõ
Lâm sàng
Sau khi khởi phát, bớt Ota phát triển to dần và màu đậm dần; ổn định ở giai đoạn người lớn. Màu sắc tùy từng người và môi trường như: công việc, kinh nguyệt, mất ngủ, thời tiết nóng hoặc lạnh. Bớt Ota: dát hoặc mảng màu xanh đến màu xám vị trí ở trán, thái dương, má, quanh mắt. Hầu hết bớt Ota ở một bên cơ thể (90%), khoảng 5-10% bị hai bên cơ thể. Ngoài biểu hiện da, bớt Ota còn có thể có biểu hiện tăng sắc tố ở niêm mạc miệng, ở mắt ().
Về mặt lâm sàng, bớt Ito giống bớt Ota chỉ khác vị trí.Bớt Ito là những dát màu xanh, xám hoặc nâu ở vai, cánh tay. Bớt Ito thường biểu hiện một bên.
Điều trị
Thuốc bôi không có tác dụng điều trị, chỉ có tác dụng hóa trang để che tổn thương.
Laser: laser hồng ngọc chuyển mạch Q, laser alexandrit chuyển mạch Q, laser Nd:YAG chuyển mạch Q. Sau 4-8 lần điều trị, 90-100% dát sắc tố sẽ giảm hoặc hết, nguy cơ sẹo <1%.

 


Bớt Ota:







Bớt Ito:




 

 

 

BỚT MẤT SẮC TỐ

 

(Nevus Depigmentosus)

 

Bớt mất sắc tố được Lesser mô tả lần đầu tiên vào năm 1884. Đây là bệnh mất sắc tố bẩm sinh, không thường gặp, bền vững, phân bố giống như đường dermato.

Dịch tễ học
Tỷ lệ mắc bệnh: chưa rõ.
Giới: tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là ngang nhau.
Chủng tộc: không thấy có sự ưu thế về chủng tộc.
Lâm sàng
Tổn thương là những dát màu trắng, bờ vằn vèo đa cung hoặc viền đăng-ten; ở một bên cơ thể, phân bố gần giống như đường dermato.
Vị trí: thân người, hạ vị, gốc chi; ngoài ra còn có thể gặp ở mặt, cổ.
Thường không có triệu chứng thần kinh.
Có trường hợp tăng sinh ở chi cùng bên với tổn thương da.
Chẩn đoán: chẩn đoán phân biệt với:
- Giảm sắc tố của Ito (Hypomelanosis of Ito), Tuberous sclerosis (ngoài biểu hiện ở da, các bệnh này còn có các triệu chứng khác).
- Bạch biến (vitiligo) (đây là bệnh mắc phải).
Điều trị
Không có biện pháp nào điều trị có hiệu quả.